Tin khẩn: Cắt điện những hộ nợ tiền điện.

Chiều nay, đại diện của 3 đơn nguyên đã kiểm tra nợ tiền điện của hộ dân kết quả như sau:
-         ĐN 1 nợ     6.658.000 đồng.
-         ĐN 2 nợ   20.971.000 đồng.
-         ĐN 3 nợ     6.228.000 đồng.
         Đơn nguyên 3, BĐD đã lấy quỹ trả hộ cho các hộ dân ngay chiều nay.
 ĐN 1 đang đôn đốc các hộ và  Công ty dịch vụ quản lý ĐN 1,3 trả ngay trong ngày 30/12/2013 để cho Hancic có tiền trả cho ĐLTL, tránh việc cắt điện ngày 1/1/2014. Như vậy là ĐN 2 nợ nhiều nhất. Đề nghị bà con thanh toán  phí  dịch vụ cho Hancic  ngay hôm nay 30/12/2013.  Nếu không,  Hancic  sẽ cắt điện những hộ nợ tiền điện, để tránh việc một số cá nhân làm  ảnh hưởng đến tâp thể. 
Ngày 30/12/2013.

Ban Đại Diện

Sẽ cắt điện nhà CT3 vì nợ tiền điện?

Theo nguồn tin riêng, Hancic còn nợ Điện lực Từ Liêm 150 triệu tiền điện từ tháng 9/2013 đến nay chưa trả, do vậy ĐLTL sẽ cắt điện từ 1/1/2014. 

Ông Hoàn xác nhận đúng có khoản nợ này, nhưng không biết làm sao, vì  đã ra văn bản đòi nợ tới 4 lần rồi  nhưng  đơn vị quản lý  ĐN 1,3 chưa trả . Riêng ĐN 2 cũng có một số hộ nợ phí dịch vụ, Hancic đã thông báo ở bảng tin nhưng chưa trả. Cụ thể  kê dưới đây. BĐD  ĐN 1,3 thì họ bảo ĐN 2 cũng nợ.

Ban đại diện  ĐN 2 đã liên hệ các bên liên quan để tránh việc cắt điện xảy ra. Nhưng thật là khó. Các bên đang đổ lỗi cho nhau, nhưng chưa bỏ tiền ra trả. Đề nghị bà con ĐN 2 thanh toán xong phí dịch vụ trong ngày 30/12 để BĐD có tiếng nói can thiệp hiệu quả hơn.
Ngày 30/12/2013


Ban Đại Diện





CÔNG TY CP ĐẦU TƯ XÂY DỰNG HÀ NỘI

CTY TNHH DỊCH VỤ ĐÔ THỊ HANCIC

               -HANCIC USC-


THÔNG BÁO
(V/v: Nộp phí dịch vụ )

Công ty TNHH dịch vụ đô thị Hancic xin thông báo tới Quý khách hàng tại đơn nguyên 2 tòa nhà CT3 về việc nộp phí dịch vụ (Phí quản lý vận hành, trông giữ PTGT, tiền điện), của các căn hộ sau:
301D2, 302D2, 303D2, 304D2, 305D2, 308D2, 601D2, 602D2, 706D2, 708D2, 802D2, 803D2, 902D2, 905D2, 906D2, 907D2, 908D2, 1001D2, 1004D2, 1006D2, 1007D2, 1008D2, 1101D2, 1104D2, 1105D2, 1203D2, 205D2, 1207D2, 1402D2, 1602D2, 1606D2, 1608D2, 1703D2, 1708D2, 1802D2, 1806D2.
 Địa điểm nộp: VP thường trực, tầng hầm- ĐN 2 - toà nhà CT3 - Trung Văn
 Hạn nộp cuối cùng đến 17h00 ngày 30/12/2013. Đến hết thời hạn trên khách hàng nào không nộp tiền Công ty chúng tôi sẽ tạm ngừng cung cấp dịch vụ.
       Điện thoại: 043.550.5222. Hoặc NV thu ngân : 0979.226.486 – đ/c Hoàn
Xin trân trọng cảm ơn!

Hancic hoàn thành thay dây cầu

Ngày 26/12/2013 dân cư ĐN2 – CT3 kiến nghị chủ đầu tư Hancic thay dây cầu không đảm kỹ thuật để ĐLTL nghiệm thu nhận bàn giao cấp điện cho dân cư CT3. 

Ngày 27/12/2013  Hancic  bố trí công nhân thực hiện. Sau hai ngày thi công đến chiều nay (28/12/2013) hoàn thành toàn bộ công việc. 

Hoan nghênh Hancic đã tiếp thu và thực hiện kiến nghị của khách hàng.

Ngày 28/12/2013

Ban Đại Diện

Bài 6: Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, và người sử dụng chung cư

Câu hỏi 1 :
Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong sử dụng nhà chung cư ?
Trả lời:
1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu
a) Được quyền sử dụng diện tích thuộc phần sở hữu chung theo quy định của Quy chế này;
b) Yêu cầu người có trách nhiệm cung cấp thông tin, công khai các nội dung liên quan đến quản lý sử dụng nhà chung cư;
c) Chấp hành đầy đủ những quyết định của Hội nghị nhà chung cư;
d) Có trách nhiệm thực hiện việc bảo trì đối với phần sở hữu riêng; đóng góp đầy đủ, đúng thời hạn kinh phí quản lý, vận hành, bảo trì phần sở hữu chung và các khoản kinh phí khác phải nộp theo quy định của Quy chế này;
đ) Tạo điều kiện thuận lợi để người có trách nhiệm thực hiện việc vận hành và bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư;
e) Chấp hành nội quy, quy định về quản lý việc sử dụng nhà chung cư; thực hiện đúng các quy định về phòng chống cháy, nổ, chữa cháy, vệ sinh công cộng, an ninh trật tự; phát hiện và thông báo kịp thời các hành vi vi phạm trong nhà chung cư;
g) Khôi phục lại nguyên trạng hoặc bồi thường thiệt hại đối với phần sở hữu chung hoặc phần sở hữu riêng của người sử dụng nhà chung cư khác bị hư hỏng do mình gây ra.
2. Đối với nhà chung cư có một chủ sở hữu thì chủ sở hữu có trách nhiệm thực hiện những quy định tại Điều 68 của Luật Nhà ở.
( Trích Điều 21, “Quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư”, ban hành kèm QĐ 08/2008/QĐ-BXD ngày 28/5/2008).

Câu hỏi: 2
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng không phải là chủ sở hữu nhà chung cư ?
Trả lời:
1. Được sử dụng hợp pháp phần sở hữu riêng và thực hiện các quy định điểm a, b khoản 1 Điều 21 của Quy chế này;
2. Yêu cầu chủ sở hữu cung cấp Bản nội quy quản lý sử dụng và các thông tin liên quan đến việc quản lý sử dụng nhà chung cư;
3. Tham gia Hội nghị nhà chung cư, đóng góp chi phí vận hành nhà chung cư trong trường hợp có thoả thuận với chủ sở hữu;
4. Chấp hành đầy đủ những quyết định của Hội nghị nhà chung cư;
5. Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại các điểm đ, e, g khoản 1 Điều 21 của Quy chế này.
(Điều 22,Tài liệu dẫn trên)
Ngày 26 /12/2013
Ban Đại Diện  


Kiến nghị chủ đầu tư Hancic hoàn thiện hệ thống điện ĐN 2-CT3

TÒA NHÀ ĐƠN NGUYÊN 2 - CT3
KHU ĐÔ THỊ TRUNG VĂN
Số: 09/KN-2013
V/v: Hoàn thiện hệ thống điện CT3

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------------------------
                    Hà Nội, ngày 26 tháng 12  năm 2013

Kính gửi:  Ông Nguyễn Viết Trường – TGĐ CTCP ĐTXD Hà Nội ( Hancic )
Đồng kính gửi:  Ông Vũ Mạnh Quyền – Giám đốc Công ty TNHH DV Đô thị
Vừa qua, với sự nỗ lực của Ban Đại diện 03 đơn nguyên nhà CT3 và sự hỗ trợ của Hancic nên Công ty điện lực Từ Liêm đã tiếp nhận hồ sơ; lắp công tơ điện cho gần 300 hộ gia đình. Theo kế hoạch, Điện lực Từ Liêm sẽ quản lý và bán điện cho dân cư CT3 từ ngày lắp công tơ: 17/12/2013. Nhưng khi kiểm tra hệ thống điện để lắp đặt, Điện lực Từ Liêm nhận thấy: Hệ thống điện của Đơn 1 + Đơn 3 đã đạt yêu cầu về kỹ thuật; riêng Đơn 2 chưa đảm bảo kỹ thuật, cụ thể như sau:
-         Dây cầu quá nhỏ, không đạt yêu cầu, thậm chí có dây đã bị cháy;
-         Một số ít thiếu hẳn dây cầu nên không lắp được công tơ.
Khi phát hiện lỗi kỹ thuật trên, công ty Điện lực Từ Liêm đã thông báo với Ban Đại diện và Hancic ngay tại hiện trường. Cán bộ của Hancic đã nhận sẽ khắc phục những thiếu sót về kỹ thuật trên trong thời gian sớm nhất và đồng thời đề nghị Công ty Điện lực Từ Liêm vẫn cho tiến hành lắp đặt công tơ để đảm bảo tiến độ. Phía Điện lực Từ Liêm  đồng ý với đề nghị trên và đã tiến hành lắp công tơ.
Tuy nhiên, đến nay phía Hancic vẫn chưa khắc phục những tồn tại trên nên Điện lực Từ Liêm chưa nhận bàn giao và chưa bán điện cho dân cư CT3 như kế hoạch. Dự kiến của Điện lực Từ Liêm sẽ nhận bàn giao và bán điện cho dân cư CT3 từ ngày 10/01/2014 nếu phía  Hancic khắc phục những tồn tại trên trước thời điểm này.
Vậy kính đề nghị ông Nguyên Viết Trường cho khắc phục ngay những tồn tại nêu trên để Điện lực Từ Liêm có thể nhận bàn giao và bán điện cho cư dân trước ngày 10/01/2014. Nếu Hancic không thực hiện làm ảnh hưởng đến quyền lợi và an toàn  của cư dân thì buộc chúng tôi không thể trả tiền điện cho Hancic từ ngày 10/01/2014.
Kính mong Ông xem xét giải quyết. 
Trân trọng cảm ơn!
Nơi nhận:
-          Như trên
-          Điện lực Từ Liêm
-          Lưu ĐN1+2+3

TM. Ban đại diện

Trưởng Ban
Đã ký
    Chu Tri Thức


Lời bình: Theo anh Thắng tổ trưởng QL điện của ĐLTL thì việc thay dây cầu này không khó chỉ tốn  khoảng 200 mét dây và 3-5 công  thợ làm 1 ngày xong. Trước đây khi nhận bàn giao hệ thống điện nhà CT1, Hancic cũng hứa nhưng sau hơn 3 năm, cho đến nay vẫn không thức hiện. Vì vậy ĐLTL chưa xóa công tơ tổng, hậu quả là người dân vẫn phải chi trả khi có chênh giữa công tơ tổng và công tơ lẻ.

               Nay chỉ vì việc nhỏ này nếu Hancic không thực hiện, thì không những ảnh hưởng đến  bà con ĐN 2 mà ảnh hưởng đến cả bà con ĐN 1,3. Do vậy, chúng ta cần quyết liệt yêu cầu Hancic phải thực hiện trách nhiệm của mình để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho bà con. Kiến nghị trên đã được chuyển đến người nhận sáng 26/12/2013. 

Cây thông Noel và bài học về hạnh phúc


Chúc mừng Giáng Sinh.
Chúc mừng Giáng Sinh.
Enrty này thân mến tặng các bạn đã gửi lời chúc Merry Christmas tới hang Cua cùng các bạn đọc. Chúc các bạn đón mùa Giáng Sinh an lành và năm mới 2014 tràn đầy hạnh phúc.
Mấy năm đầu sang Mỹ, lũ trẻ toàn hỏi, sao nhà mình không có Chrismas Tree – Cây thông Noel. Chả là lúc lớp mẫu giáo hay lớp 1, lớp 2, chúng nghe nói dưới cây thông có quà của Santa gửi vào lúc nửa đêm.

Nhà ít tiền nên mẹ chúng nhặt ở đâu một cây thông bé, bằng nhựa, mang về treo cái tất đỏ, dưới gốc để mấy gói quà. Treo đèn, vài quả cầu lấp lánh, rồi bật điện, chúng reo hò, sướng cả tuần. Sáng sớm bọn trẻ đã dậy, tìm trong tất để xem quà của mình đâu.
Năm nay cũng rủ đi mua thông thì các bố ấy chán, chắc lớn rồi nên chẳng quan tâm nữa. Bảo Bin, mua cây thông thì Santa mới để quà dưới gốc. Bố ta phán một câu xanh rờn, Santa là fake one – ông già ấy làm gì có trên đời.
Nhưng sợ các cháu mải chơi game nên tôi rủ đi bằng được. Ra phía Leesburg cách nhà khoảng 30km, biết có mấy nơi bán thông từ North Carolina. Những cây thông nhỏ cao hơn 1 mét trồng mất khoảng 7-10 năm, tùy độ cao, ở vùng đất khô cằn, như dân ta nuôi gốc đào, gốc mai.
Trang trại của một nông dân Mỹ. Ảnh: HM
Trang trại của một nông dân Mỹ. Ảnh: HM
Tới Potomac Vegetable Farm ngay cạnh tỉnh lộ Leesburg, trang trại của một gia đình nông dân, rộng khoảng vài hecta, cây cối mọc tự nhiên như rừng. Họ nuôi gà, vịt, thỏ và trồng rau sạch. Ông chủ ra chào rất niềm nở, giới thiệu các loại nông sản trồng được.
Có một bạn trẻ trông vẻ rất tri thức ra giới thiệu về thông. Hóa ra thông có rất nhiều loại khác nhau. Có loại thơm, có loại không thơm, loại lá dầy, lá mỏng. Anh giải thích rất cặn kẽ, thông mọc trên đất cằn nên tích nhựa rất lâu, nụ hoa chưa nở là nguồn hương.
Vặt một nụ nhỏ, bóp bóp nhẹ, anh cho tôi ngửi, đúng là thơm nồng thật, nếu để trong nhà, hương có thể tỏa cả tháng. Dưới ánh nến, đèn sáng mờ ảo, lò sưởi ấm, ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, cây thông tỏa hương, với chén rượu vang ngồi cùng bè bạn, giấc mơ Mỹ đó, anh ạ.
Tôi hỏi, làm thế này có phá môi trường không. Anh giải thích, rừng có thể giữ nhiều cách. Có cách không bao giờ khai thác, để tự nhiên vài thế kỷ. Nhưng có những nơi cần quay vòng vốn. Dân theo đạo Thiên chúa thích cây Noel, nếu là cây thật càng thích. Cây dùng xong, họ mang đến một chỗ qui định hoặc bên thu rác cho vào nghiền vụn và mang bán cho sản xuất đồ gỗ, giấy, chẳng vứt đi cái gì.
Anh là tình nguyện viên đến làm ở cửa hàng cho bác nông dân trong 3 tiếng, vì bán được, anh cũng đóng góp công cho từ thiện. Anh khoe khu trang trại về mùa hè có bán gà running – chạy bộ. Thả gà, ai mua con nào, tự đi mà bắt và trả tiền, tự làm thịt cũng OK, mà thuê chủ nhà cũng được.
Anh cười vui kể, nhìn ai ôm con gà, biết ngay là thuở nhỏ được sống ở môi trường nào. Trẻ nhà quê bắt con gà rất nhanh, tóm chân, cầm cánh, cho vào bao tải như chơi. Mấy cậu thành phố lóng ngóng, bóp cổ gà chết luôn. Nghe anh ấy PR, muốn quay lại vào mùa hè xem sao.
Nụ thông thơm ngát. Ảnh: HM
Nụ thông thơm ngát. Ảnh: HM
Nghe cả chủ lẫn người tình nguyện viên nói hay quá, tôi chọn cây bé nhất, giá 50$, bác chủ giảm cho 20% và thông báo gia đình tôi cũng góp từ thiện cho các cháu gái nghèo trên thế giới. Nói rồi bác chỉ ra bảng có dán mấy cái ảnh ở mấy nước xa xôi.
Tôi dừng lại nói chuyện rất lâu, hỏi tại sao có cây Giáng Sinh, sao lại là cây thông. Anh kể khá chi tiết vài tích, trong đó tích dưới đây có trong Wiki thích nhất.
Tương truyền, một lần Martin Luther, nhà truyền đạo người Đức ở thế kỷ 15, dạo bước qua những cánh rừng vào một đêm Noel khoảng năm 1500. Hàng triệu vì sao sáng lấp lánh qua kẽ lá. Luther thực sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của một loài cây nhỏ, trên cành cây tuyết trắng phủ đầy, lung linh dưới ánh trăng.
Khi trở về ông đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu chuyện này với lũ trẻ. Để tái tạo ánh sáng lấp lánh của muôn ngàn ánh sao ông đã treo nến lên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy với lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh.
Ông giải thích là các cây nến cháy sáng trên các nhánh của cây thông tượng trưng cho ánh sáng của Đức Giêsu mang đến cho nhân loại, màu xanh tươi quanh năm của cây thông tượng trưng cho Đức Chúa Trời hằng hữu. Phong tục cây Giáng sinh trở nên phổ biến từ đó.
Quay lại chuyện với bác nông dân. Ở ngay cạnh đường nhộn nhịp, thế mà bác vẫn sống như ở quê, nhà cửa bình thường, bên cạnh là khu nhà sang trọng. Tôi hỏi đùa, có bán đất không. Bác bảo, đất này của gia đình không bao giờ bán nữa, ai mua cũng không được xây nhà.
Chả là khu nhà gần đó xây rất đẹp, nhưng cây xanh ít, nên chính quyền kiện những người chủ thầu vì không làm đúng như thiết kế là tỷ lệ cây xanh, đất công cộng và nhà cửa phải hài hòa.
Người chủ thầu định mua nốt mấy hecta này nhưng gia đình không bán vì ông bà đã sống mấy đời. Rất nhiều người hỏi nhưng giá nào họ cũng lắc đầu dù trông gia đình không phải giầu có gì.
Tuy nhiên, qua vài lần đàm phán, chủ thầu mua quyền xây nhà. Nghĩa là gia đình vẫn sở hữu miếng đất, trồng cấy, chăn nuôi, nhưng không được xây cất gì nữa. Có tiền bác lại đầu tư và trang trại, nhà kính trồng rau. Mùa nào thức nấy, gia đình này cứ thế “tần tảo” nuôi nhau.
Dư đôi chút thì chia sẻ với người nghèo trên trái đất. Bán thông Noel để dành 25% tiền lãi làm từ thiện. Nếu khách mua là cả chủ lẫn khách đã đóng góp cho Santa để tặng quà trẻ thơ.
Tôi đùa, bán đất, kiếm vài triệu đô la, chẳng phải lo tiền nong tới cuối đời. Bác cười, anh hiểu nhầm về giấc mơ Mỹ. Người Mỹ như bác quan niệm hạnh phúc không phải có bao nhiêu tiền, được sống trong ngôi nhà rộng mông mênh. Mà bác cho rằng, hạnh phúc là biết chia sẻ và được chia sẻ.
Bán quyền xây nhà cho khu dân cư bên cạnh để đảm bảo rằng con cháu hay chủ mới không bao giờ được xây nhà. Dân cư trong khu vực được hưởng môi trường xanh tươi bốn mùa, không còn chuyện nhà cửa san sát, môi trường bền vững của nước Mỹ có được là vì thế.
Mang về cho vào cái chậu nước chuyên để cây, gọi lũ trẻ ra treo đèn, trang trí và được cây thông xinh xinh. Vừa làm tôi vừa nghĩ ngợi về ông già Santa đi chia quà trong đêm Noel và những điều tôi nghe được trong lúc mua cây thông.
Hạnh phúc là được chia sẻ và chia sẻ, không phải là quyền cao chức trọng, có bao nhiêu tiền trong tài khoản và có bao nhiêu nhà cửa, và những thứ, những giá trị luôn tính bằng tiền. Có lẽ nước Mỹ mạnh là vì thế.
Bán thông Noel cho mục đích từ thiện tại trang trại. Ảnh: HM
Bán thông Noel cho mục đích từ thiện tại trang trại. Ảnh: HM
Tôi nhớ câu chuyện đọc ở đâu đó. Một cô bé lấy tờ giấy đỏ của bố, bị bố mắng, tại sao lại lấy. Bé bảo, để gửi quà cho một người. Cháu xin mấy xu để ra bưu điện gửi. Ông bố lầu bầu, không vui, nhưng vẫn cho.
Tới ngày Noel, chính người bố nhận được gói quá gói bằng tờ giấy đỏ mà đứa con gái đã lấy. Mở gói quà, từ ngạc nhiên đến hơi giận dữ, ông hỏi, sao trong đó chẳng có gì. Đứa con gái nói, bố ơi, khi gửi quà, con đã hôn rất nhiều vào trong cái hộp đó.
Ngày nay trên thế giới ảo, có hàng tỷ gói quà ảo, lời chúc ảo được gửi đi. Có mấy ai biết được người gửi có hôn gió vào lời họ viết và người nhận có thấy được chút tình trong cái ảnh hay lời ca gửi gắm.
Chợt nhớ đến vài đô la từ thiện do bác nông dân Mỹ đã thuyết phục mỗi khách qua đường mua những cây thông từ North Carolina, hôm tới sẽ đến được gốc cây Giáng Sinh nào đó trên trái đất, trong cái tất đỏ là món quà, dù chẳng có tên tuổi, không lời chúc của chủ nhân.
Nhưng tôi tin, hộp quà ấy chứa bao nụ hôn và tình thương của những người gửi và người nhận thì cảm xúc hạnh phúc dâng trào. Và nhân loại vẫn tin ông già Santa có thật trên đời.
Hiệu Minh. Xmas 2013 Washington DC.
Thông North Carolina trên đường Leesburg. Ảnh: HM
Thông trên đường Leesburg – Cua Times mua cây thứ 2 từ phải sang. Ảnh: HM
Hai bác nông dân đưa cây đi "đóng gói". Ảnh: HM
Hai bác nông dân đưa cây đi “đóng gói”. Ảnh: HM
Cây Giang Sinh của Bin và Luck. Ảnh: HM
Cây Giáng Sinh về nhà Bin và Luck. Ảnh: HM

Bán đấu giá 300 chiếc công tơ điện 40A


Nhà CT 3 Khu ĐTM Trung Văn bán đấu giá 300 công tơ điện 40A, một pha, đã sử dụng một năm. Ai mua đăng ký tại:
Ngày 24/12/2013


Ban Đại Diện

Liên tiếp vỡ đường ống nước sông Đà: Ống nước hàng mã?


- Đây là lần thứ 4 đường ống cấp nước sông Đà cho khu vực Hà Nội bị vỡ.
Trăm sự tại đất?
Gần 14h chiều 16/12, đường ống nước sạch của công ty nước sạch sông Đà bị vỡ tại địa bàn xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội), khiến nước phun xối xả lên mặt đất, tạo thành một hố sâu khoảng chục mét và rộng vài mét.
Sự cố vỡ đường ống nước D1600 khiến gần 70.000 hộ dân thuộc quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Từ Liêm và huyện Thanh Trì bị ảnh hưởng.
Điều đáng từ khi đi vào hoạt động đây là lần thứ 4 đường ống cấp nước sông Đà cho khu vực Hà Nội bị vỡ đoạn qua Đại lộ Thăng Long. Và chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay thì đây lần vỡ thứ 3.
sông Đà, Vinaconex, nước sạch, Từ Liêm, Cầu Giấy, Hòa Bình, mất nước, ống nước, dự án, đại lộ, Thăng Long
Đoạn ống nước bị vỡ ngày 23/3 (Ảnh Thanh niên)
Trước đó, ngày 4/2/2012, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội đoạn qua thôn Yên Lũng, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) bị vỡ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của khoảng 40 nghìn hộ dân.
Nguyên nhân cũng được lãnh đạo công ty Viwaco-đơn vị kinh doanh nước sạch Sông Đà cho biết đó là sụt lún đại lộ Thăng Long và áp lực nước trong ống. Phải mất 5 ngày sự cố này mới được khắc phục.
Sau sự cố vỡ đường ống dẫn, Viwaco cho biết, sẽ xây dựng ngay bể chứa nước dự phòng có thể cấp nước cho các hộ dân trong vòng một tuần.
Tuy nhiên khi kế hoạch về bể chứa nước dự phòng vẫn đang “treo trên giấy” thì đến trưa ngày 23/3/2013, đường ống nước sạch đường kính 1,6m từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội lại bị vỡ lần thứ 2. Hơn 70 nghìn dân ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Thanh Trì, Từ Liêm bị ảnh hưởng. Địa điểm xảy ra sự cố cách ngã ba Hòa Lạc hướng về Hà Nội khoảng 1km. Đoạn ống bị vỡ dài khoảng 2m, nằm sâu dưới lòng đất.
sông Đà, Vinaconex, nước sạch, Từ Liêm, Cầu Giấy, Hòa Bình, mất nước, ống nước, dự án, đại lộ, Thăng Long
Điểm vỡ đường ống nước xảy ra ngày 21/11 (Ảnh Dân trí)
Trao đổi trên báo chí về nguyên nhân vỡ ống nước lần này, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Viwaco cho biết là: Tác động của việc sụt lún đại lộ Thăng Long và áp lực nước rất mạnh trong lòng đường ống.
Theo Tiền phong dẫn lời ông Việt: “Đường ống nước dài như vậy (gần 50km) thì sự cố rất khó tránh khỏi. Tương lai vẫn có thể bị vỡ”. Đúng như lời “tiên đoán” sáng ngày 21/11, đường ống tiếp tục bị vỡ ở đoạn chảy qua km 27+60 Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Toàn bộ quận Thanh Xuân, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và Từ Liêm bị ảnh hưởng, khoảng hơn 70 nghìn hộ dân bị mất nước.
Đến lần vỡ đường ống thứ 4 này, trao đổi về nguyên nhân nhân khiến đường ống nước sạch thời gian gần đây liên tục xảy ra sự cố, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn cho biết nguyên nhân vỡ ống nước ban đầu được cho là ống nước thi công trên nền đất suối yếu, dẫn đến tình trạng sụt lún và vỡ ống nước.
Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà cũng giải thích gần giống những lần trước đó: Có thể do nền đất tại khu vực nơi có ống bị vỡ là rất yếu vì đường ống D1600 nằm sâu dưới lòng đất cả chục mét, ngoài ra phía công ty cũng đang điều tra và tìm hiểu xem có những nguyên nhân nào khác hay không để có biện pháp khắc phục.
Ông Việt cũng cho biết thêm việc khắc phục lần này cũng gây tốn kém vì phải huy động rất nhiều máy móc thiết bị và nhân công, ước tính mất hơn 1 tỷ đồng.
Và trong quá trình đợi công ty điều tra tìm hiểu xem có những nguyên nhân nào khác hay không để có biện pháp nguy cơ vỡ đường ống mất nước vẫn treo lơ lửng trên đầu hàng chục vạn người dân. Ngẫm ra thì vẫn chỉ là trăm sự tại đất!?
Ống nước hàng mã?
Đường ống nước sạch từ Sông Đà về Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc - Xuân Mai – Miếu Môn - Hà Nội – Hà Đông do Tổng Công ty cổ phần VINACONEX làm chủ đầu tư sử dụng nguồn nước mặt sông Đà .
Năm 2008 đã hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng với công suất 300.000m3/ngày đêm bao gồm các hạm mục chính là kênh dẫn nước, các trạm bơm, nhà máy xử lý nước, bể chứa điều hòa và các tuyến ống truyền tải dẫn nước sạch từ nhà máy về đến vành đai III Hà Nội.
sông Đà, Vinaconex, nước sạch, Từ Liêm, Cầu Giấy, Hòa Bình, mất nước, ống nước, dự án, đại lộ, Thăng Long
Ngày 16/12 đường ống lại tiếp tục bị vỡ lần thứ 4 (Ảnh Đầu tư)
Hiện hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo" đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (Kỳ Sơn, Hòa Bình) về đến Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) nên mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng khá lớn.
Cứ mỗi lần đường ống bị vỡ đồng nghĩa với hàng trăm nghìn người không có nước sinh hoạt. Dự kiến đến trưa ngày 18/12, việc cung cấp nước sẽ trở lại bình thường tuy nhiên chiều ngày 18 nhiều khu vực vẫn mất nước. Đến 19h khu vực Bùi Xương Trạch – Khương Đình chưa có nước trở lại. Khu vực Từ Liêm (gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình) vẫn bị mất nước.
Chị Nguyễn Thị Mạnh (Từ Liêm) cho biết: Mất nước vì vỡ đường ống nước nghe nhiều quen rồi mà vẫn sợ. Bây giờ mất gì cũng khổ chứ đâu chỉ mất nước. Nhưng lần một, lần hai có thể hiểu được. Để đến lần thứ tư như thế này chẳng khác nào ống nước làm bằng hàng mã. Gần tết lại nơm nớp lo vỡ ống mất nước thì đúng là khốn khổ.
Đánh giá khách quan, việc ứng phó, khắc phục sự cố khá nhanh, nhưng có điều, không ai dám khẳng định sẽ không tiếp tục có những sự cố lần thứ tư, thứ năm… xảy ra.
4 lần vỡ ống nước vừa qua xảy ra đều xảy ra tại các đoạn chạy qua Đại lộ Thăng Long. Theo thông tin tìm hiểu, tuyến đường ống chạy từ Xuân Mai lên Hòa Bình hiện có nhiều đoạn nằm dưới khu vực bị người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép. Nếu xảy ra sự cố vỡ ống tại đây thì việc cứu chữa sẽ vô cùng khó khăn và mức độ ảnh hưởng tới người dân cũng khó có thể đo đếm.
Hồng Khanh

Những việc Công ty DV Hancic đã thực hiện theo thỏa thuận với BĐD

Ngày 31/10/2013 BĐD kiên nghị Công ty dịch vụ Hancic về giảm phí dịch vụ: Quản lý chung cư, phí lấy rác, phí giữ xe.

Ngày 16/11/2013 cuộc họp giữa BĐD và Hancic đã thống nhất mốt số việc.

Đến  20/12/2013 Hancic đã thực hiện được những việc sau:
1.     Phí lấy rác tính theo nhân khẩu từ tháng 12/2013, cách tính này công bằng hơn so với cách tính thu theo căn hộ. Mức phí giảm từ 3,36 triệu đồng tháng xuống 2,3 triệu đồng tháng.
2.     Thu phí lấy rác từ tháng 1-10/2013 căn cứ theo nhân khẩu, số tháng hộ gia đình đến ở và mức phải trả  2.000.000đ/tháng. BĐD đã xem xét dự toán thu này và nhận thấy Hancic tính đúng theo thỏa thuận. Đề nghị bà con hợp tác trả phí này.

3.     Phí giữ xe ô tô giảm từ 1.200.000đ/ tháng xuống còn 1.000.000đ/ tháng,  xe 4 chỗ và 1.100.000đ/tháng,  xe 7 chỗ. Bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2014.
4.     Bóng đền cháy đã được thay thế.
5.     Chúng ta ghi nhận và hoan nghênh Hancic tiếp thu khắc phục. Tuy nhiên còn một số việc như: Mái che kính ở sảnh vỡ chưa thay, chưa vệ sinh mái này, nhà để xe nhiều chỗ bẩn, buồng rác tầng hầm  một năm chưa dọn, cây xanh thảm cỏ chưa chăm sóc tốt.
Ngày 20/12/2013

Ban Đại Diện

Điện lực Từ Liêm đã chính thức cấp điện cho nhà CT3 từ ngày 17/12/2013.

Sau 2 ngày thi công đến chiều nay 18/12 đã hoàn thành treo 275 công tơ cho các gia đình của 3 đơn nguyên. Những hộ đã lập hồ sơ ở ĐN 2 có 108 nhà thì 107 hộ đã được ĐLTL cấp  điện. Riềng hộ 1601 chưa có chữ ký chuẩn xác nên chưa được cấp. 

Những hộ còn lại (21 hộ)  vẫn được cấp điện cho đến khi dỡ công tơ tổng, dự kiến khoảng 7 ngày nữa, nhưng giá điện của Hancic. Những hộ này cần mua điện của ĐLTL thì nộp hồ sơ cho BĐD. 

Trong khu ĐTM Trung Văn nhà CT3 được cấp điện sau nhà CT1. Nhưng nhà CT3 được cấp trọn vẹn không  có điều kiện bất lợi nào. Nhà CT1 tuy cũng được cấp điện nhưng công tơ tổng vẫn còn để; Nếu có chênh lệch với công tơ tổng thì phân bổ cho các hộ phải chịu.

Ngày 18/12/2013

Ban Đại Diện

DV Hancic đơn phương cấm đỗ xe ở phần đất công cộng.

Ngày 17/12/13, cty dịch vụ Hancic ban hành 2 văn bản:

Văn bản 1: điều chỉnh giá gửi xe ô tô. Trong đó xe 4 chỗ là 1 triệu/tháng, xe 6 chỗ là 1,1 triệu/tháng. Không hiểu xe 5 chỗ phải trả bao nhiêu, chắc phải mời ủy ban thường vụ quốc hội về giải thích từ ngữ.

Văn bản 2: Cấm đỗ xe ở nền vỉa hè lát gạch block + cấm đỗ ở lòng đường. Đường giao thông thuộc trách nhiệm của nhà nước, mắc mớ gì đến mấy ông Hancic. Vỉa hè lát gạch block là tài sản chung, dùng thế nào là do hội nghị nhà chung cư quyết định chứ nhỉ. Chắc mấy ông Hancic này muốn dùng làm sân bóng hay là kinh doanh thu phí nốt....? Bà con quên cái chìa khóa chạy lên  nhà chắc phải trả 20k cho mấy ông dịch vụ này chắc?

Xe 5 chỗ phải trả bao nhiêu tiền?




Để xe đúng chỗ qui định tức là phải trả tiền cho Hancic?
Ở KĐT Văn quán,  KĐT Linh Đàm ..., ai muốn gửi xe cho an toàn thì gửi, ai muốn để chỗ công cộng thì để. Vì tốt với dân quá, ông Hancic cứ gom việc vào người?




Bài 5: Giá dịch vụ nhà chung cư gồm những yếu tố nào ?

Câu hỏi 1: Nội dung dịch vụ nhà chung cư gồm những việc gì ?
Trả lời:                                                                                                                                  
Nội dung dịch vụ nhà chung cư gồm các hoạt động cung cấp các dịch vụ như: điều khiển và duy trì hoạt động của hệ thống trang thiết bị thuộc phần sở hữu chung hoặc sử dụng chung nhà chung cư, bảo vệ, vệ sinh, thu gom rác thải, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác đảm bảo cho nhà chung cư hoạt động bình thường.
 Câu hỏi 2: Nội dung chi phí cấu thành giá dịch vụ nhà chumh cư ?
Trả lời:
1. Chi phí trực tiếp :
a) Chi phí sử dụng năng lượng, nguyên, nhiên, vật liệu và các chi phí khác (nếu có) để phục vụ công tác vận hành nhà chung cư (bao gồm thang máy, máy bơm nước, máy phát điện dự phòng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các trang thiết bị khác);
b) Chi phí nhân công điều khiển và duy trì hoạt động của hệ thống trang thiết bị nhà chung cư (bao gồm thang máy, máy bơm nước, máy phát điện dự phòng, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các trang thiết bị khác);
c) Chi phí cho các dịch vụ trong khu nhà chung cư như: bảo vệ, vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, chăm sóc vư­ờn hoa, cây cảnh, diệt côn trùng và các dịch vụ khác (nếu có) đ­ược xác định trên cơ sở khối l­ượng công việc cần thực hiện và mức giao khoán thoả thuận trong hợp đồng dịch vụ;
d) Chi phí điện chiếu sáng công cộng, nước công cộng trong khu nhà chung cư;
e) Chi phí văn phòng phẩm, bàn ghế, phòng làm việc, chi phí điện, nước sinh hoạt và một số chi phí khác của bộ phận quản lý nhà chung cư.
2. Chi phí quản lý chung của doanh nghiệp quản lý vận hành được phân bổ vào giá dịch vụ nhà chung cư, bao gồm:
a) Chi phí tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp lương, chi phí BHXH, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn và các khoản trích nộp khác từ quỹ lương trả cho bộ phận quản lý của doanh nghiệp :
- Chi phí tiền lư­ơng đư­ợc xác định trên cơ sở định biên cán bộ công nhân viên và mức lư­ơng, phụ cấp lư­ơng, các khoản trích nộp khác từ quỹ lư­ơng theo quy định hiện hành của Nhà n­ước;
- Chi phí tiền công được xác định trên cơ sở hợp đồng lao động hoặc thoả ước lao động tập thể giữa doanh nghiệp quản lý vận hành với người lao động.
- Chi phí BHXH, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của cán bộ công nhân viên theo quy định hiện hành của Nhà nước.
b) Chi phí khấu hao TSCĐ của doanh nghiệp quản lý vận hành. Việc trích, quản lý và sử dụng khấu hao TSCĐ theo quy định của Bộ Tài chính.
3. Chi phí cho Ban quản trị, bao gồm chi phí phụ cấp trách nhiệm cho các thành viên Ban quản trị và các chi phí hợp lý khác phục vụ cho hoạt động của Ban quản trị.
4. Lợi nhuận định mức hợp lý cho doanh nghiệp quản lý, vận hành nhà chung cư được tính tối đa là 10% chi phí dịch vụ nhà chung cư sau khi trừ đi khoản thu được từ kinh doanh, dịch vụ các diện tích thuộc phần sở hữu chung của nhà chung cư (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
5. Thuế giá trị gia tăng: Theo quy định hiện hành của Nhà nước.
( Trích thông tư 37/2009/TT-BXD của Bộ Xây Dựng, Hướng dẫn phương pháp XD và QL giá dịch vụ nhà chung cư)
Ngày18/12/2013
Ban Đại Diện


Lại vỡ đường ống nước sạch, hàng vạn hộ dân nguy cơ mất nước

Thứ Hai, 16/12/2013 - 20:42
 (Dân trí) - Nhiều máy móc, thiết bị đã được huy động tới hiện trường và hơn 150 người sẽ lại phải làm việc xuyên đêm để khắc phục sự cố vỡ đường ống nước sạch Sông Đà xảy ra chiều nay 16/12.
 >>  Vỡ ống nước sông Đà có phải do nền đất của Đại lộ Thăng Long yếu?
 >>  150 người sẽ trắng đêm “vá” đường ống nước sạch Sông Đà


Hiện trường sự cố vỡ đường ống nước chiều nay
 Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex - cho biết, khoảng 14h chiều nay, tại địa bàn xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất, Hà Nội (trong khu đô thị Thanh Vina) đã xảy sự cố vỡ đường ống nước sạch Sông Đà dẫn về Hà Nội. Miệng hố do sự cố vỡ ống tạo thành có đường kính rộng khoảng 15m, sâu khoảng 10m.


Ông Tốn cho biết thêm: “Nhận được tin báo, công ty đã cho đóng van lại; báo cho đơn vị thành viên là công ty khắc phục sự cố Vimeco đến cùng xử lý. Tất cả chúng tôi đã huy động khoảng 150 người; huy động 4 máy xúc, 2 máy ép cừ, 4 máy phát và hơn 100 tấm cừ latsen. Do hố sâu nên hướng giải quyết là phải cho máy xúc đào hạ tải xung quanh vị trí ống vỡ, sau đó mới tiến hành ép cừ, rồi đào tiếp, bơm cạn sau đó mới cẩu ống lên để xử lý chế tạo lại. Chúng tôi sẽ tiến hành khắc phục xuyên đêm, dự kiến sang ngày 18/12 mới xong”.

Nhân lực và máy móc được điều đến khắc phục sự cố
Đây là lần thứ 4 tuyến ống này bị vỡ kể từ khi đi vào hoạt động. Sự cố vỡ ống lần này có thể làm hàng vạn hộ dân trên địa bàn Hà Nội mất nước, chủ yếu thuộc quận Thanh Xuân và một phần quận Hoàng Mai. Hiện tại Công ty nước sạch Hà Nội và Công ty nước sạch quận Hà Đông đã tiến hành hỗ trợ cấp nước cho các hộ dân trên.



Theo ông Nguyễn Văn Tốn, nguyên nhân ban đầu được xác định là do nền đất tại vị trí xảy ra vỡ ống bị yếu.

Được hưởng giá điện mới ngay trong tháng 12?

KTĐT - Liên quan tới vụ việc hàng trăm hộ dân nhà CT4, Khu đô thị Trung Văn (huyện Từ Liêm) phải chịu điện giá cao gấp 1,5 - 2 lần mức bình thường mà báo Kinh tế & Đô thị đã thông tin, sáng 11/12, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức cuộc họp với các bên liên quan gồm Công ty CP Đầu tư và xây dựng Hà Nội (HANCIC) và Công ty Điện lực Từ Liêm, nhằm tìm hướng giải quyết cho vấn đề đã đeo đẳng và gây bức xúc trong dư luận thời gian qua.

Cư dân nhà CT4 sẽ được hưởng giá điện mới ngay trong tháng 12.  Ảnh: Tùng nguyễn
Cư dân nhà CT4 sẽ được hưởng giá điện mới ngay trong tháng 12. Ảnh: Tùng nguyễn

Tại buổi làm việc, ông Vũ Mạnh Quyền, đại diện đơn vị chủ đầu tư HANCIC cho biết, giống như những người dân sống tại nhà CT4, HANCIC cũng phải chịu điện giá cao (phục vụ điện thang máy, bơm nước, chiếu sáng hành lang...) khiến chi phí vận hành tòa nhà hàng tháng bị "đội" thêm từ 5 - 10 triệu đồng. HANCIC đã 3 lần gửi hồ sơ đề nghị Công ty Điện lực Từ Liêm tiếp nhận lưới điện để bán trực tiếp cho người dân nhưng chưa được phúc đáp. Tuy nhiên khi được hỏi, tại sao được đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng mãi tới ngày 30/7/2013, HANCIC mới làm văn bản yêu cầu được chuyển giao lưới điện, ông Vũ Mạnh Quyền cho biết, công ty muốn hoàn tất thi công cả 3 tòa nhà CT1 - CT3 - CT4 trong Khu đô thị Trung Văn mới thực hiện việc bàn giao (?!). Đây là cách lý giải chưa "thấu tình đạt lý", bởi thực tế việc bàn giao lưới điện có thể thực hiện riêng lẻ theo từng trạm biến áp, hoặc tiến hành thủ tục bán điện trực tiếp cho các hộ trước khi chuyển giao lưới điện như cách thức đã áp dụng với nhà CT1.    
Liên quan tới vụ việc, bà Lã Thị Thu Yến - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Từ Liêm cho rằng, việc các hộ dân nhà CT4 nói riêng và Khu đô thị Trung Văn nói chung phải chịu giá điện cao hơn mức bình thường thời gian qua là do lỗi của chủ đầu tư. Theo bà Lã Thị Thu Yến, ngày 4/1/2011, Công ty Điện lực Từ Liêm và HANCIC ký hợp đồng mua bán điện với mục đích kinh doanh dịch vụ. Từ đó tới nay, do chưa có kiến nghị của HANCIC nên Công ty Điện lực Từ Liêm vẫn giữ nguyên mức giá đã áp theo thỏa thuận. Bà Yến cho biết thêm, trước mắt, để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân nhà CT4, Công ty Điện lực Từ Liêm sẽ kiểm tra, áp giá bán điện đúng mục đích sử dụng ngay trong tháng 12/2013. Tuy nhiên, giá điện mới dự kiến sẽ ở mức 2.050 đồng/kWh (tức là vẫn cao hơn mức bình thường khoảng 30%).
Sau khi nghe báo cáo của các bên liên quan, ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương Hà Nội) đề nghị, Công ty Điện lực Từ Liêm tính toán, áp lại mức giá điện phù hợp với mục đích sử dụng của các hộ nhà CT4, hoàn thành và báo cáo kết quả về Sở Công Thương trước ngày 5/1/2014. Công ty Điện lực Từ Liêm phối hợp với HANCIC phải hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao tài sản lưới điện trong toàn bộ Khu đô thị Trung Văn xong trước quý I/2014.
Có thể thấy, sự việc lùm xùm diễn ra tại nhà CT4 khiến hàng trăm hộ dân hiện sống tại đây "chịu thiệt" vì sự tắc trách, thiếu sâu sát trong quản lý kinh doanh của cả chủ đầu tư HANCIC và Công ty Điện lực Từ Liêm. Để sự "nhập nhằng" về giá điện không tái diễn tại các dự án phát triển đô thị trong thời gian tới, bên cạnh sự minh bạch trong thu chi của chủ đầu tư cũng như các đơn vị kinh doanh lưới điện, vai trò quản lý Nhà nước của Sở Công Thương sẽ có ý nghĩa quan trọng và cần được phát huy tốt hơn nữa.
Trọng Tùng

Bức xúc vì giá điện “nhập nhằng”

KTĐT - 142 hộ dân hiện sống tại nhà CT4 (Khu đô thị Trung Văn, huyện Từ Liêm) đang rất bức xúc vì hơn hai năm qua phải chịu giá điện cao gấp 1,5 - 2 lần mức bình thường.
Ngày 9/12, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị có mặt tại nhà CT4 để ghi lại câu chuyện có phần "bi hài" và "lạ lùng" này. Ông Trần Xuân Nga - Trưởng đại diện nhà CT4 cho biết, dù đã về định cư tại tòa nhà từ tháng 8/2011 nhưng đến nay 142 hộ dân vẫn chưa được mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực Từ Liêm, mà phải chi trả giá điện theo cách tính của đơn vị trung gian, cũng là chủ đầu tư nhà CT4 là Công ty CP Đầu tư và xây dựng Hà Nội (HANCIC). Tính trung bình mỗi gia đình phải trả từ 2.500 đồng tới 2.800 đồng cho 1kWh điện sử dụng, trong khi giá điện sinh hoạt theo quy định chỉ khoảng 1.400 đồng/kWh.
Cư dân nhà CT4 đang phải chịu giá điện cao gấp 1,5 - 2 lần bình thường.     Ảnh: Tùng Nguyễn
Cư dân nhà CT4 đang phải chịu giá điện cao gấp 1,5 - 2 lần bình thường. Ảnh: Tùng Nguyễn
Được biết, các hộ sinh sống tại nhà CT4 đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chủ đầu tư là HANCIC yêu cầu được chuyển sang mua bán điện trực tiếp nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong cuộc tiếp xúc giải đáp thắc mắc với cư dân nhà CT4 diễn ra cuối tháng 8/2013, ông Vũ Mạnh Quyền - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ đô thị HANCIC, đại diện chủ đầu tư đã khẳng định, việc bàn giao thủ tục liên quan tới chuyển đổi cách thức mua bán điện đã hoàn tất, và trong tháng 10/2013 sẽ tiến hành ký hợp đồng, lắp công - tơ riêng cho từng căn hộ. Tuy nhiên tới nay, 142 hộ nhà CT4 vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp với Công ty Điện lực Từ Liêm và vẫn phải chịu điện giá cao. Theo tìm hiểu, HANCIC hiện là chủ đầu tư của ba toà nhà CT1, CT3 và CT4 (nằm trong Khu đô thị Trung Văn). Nhà CT1 được đưa vào sử dụng tháng 7/2010, sau đó khoảng 1 năm, cư dân tòa nhà này đã được mua điện trực tiếp từ Công ty Điện lực Từ Liêm. Tuy nhiên, cư dân nhà CT3 và CT4 (cùng được đưa vào sử dụng trong tháng 8/2011) lại không có "may mắn" như vậy. Do chờ đợi quá lâu, các hộ dân nhà CT3 đã góp tiền và tới làm việc trực tiếp với Công ty Điện lực Từ Liêm. Dự kiến cuối tháng 12, các hộ dân nhà CT3 sẽ được mua điện trực tiếp. Điều này làm dấy lên những nghi ngại về sự thiếu minh bạch trong quản lý, cũng như việc kinh doanh điện của Công ty Điện lực Từ Liêm.
Bên cạnh giá điện "nhập nhằng", 142 gia đình sống tại nhà CT4 hiện cũng chưa được cấp sổ đỏ. Sau gần 2,5 năm đi vào vận hành, cuộc họp tiến tới thành lập Ban Quản trị tòa nhà mới được tổ chức vào ngày 7/12 vừa qua. Bên cạnh đó, số tiền thu được từ cho thuê các căn hộ tầng 1 kinh doanh cũng "mất tăm" khiến người dân sống tại nhà CT4 không khỏi cảm thấy hoài nghi về sự minh bạch trong các khoản chi tiêu của HANCIC.
Chiều 9/12, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã liên hệ làm việc với HANCIC và Công ty Điện lực Từ Liêm. Tuy nhiên, đại diện hai đơn vị nêu trên cho biết, sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan tới nhà CT4 trong cuộc họp tới đây. Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.
Trọng Tùng