Chúc mừng Giáng Sinh.
Enrty này thân mến tặng các bạn đã gửi lời chúc Merry Christmas
tới hang Cua cùng các bạn đọc. Chúc các bạn đón mùa Giáng Sinh an lành
và năm mới 2014 tràn đầy hạnh phúc.
Mấy năm đầu sang Mỹ, lũ trẻ toàn hỏi, sao nhà mình không có Chrismas
Tree – Cây thông Noel. Chả là lúc lớp mẫu giáo hay lớp 1, lớp 2, chúng
nghe nói dưới cây thông có quà của Santa gửi vào lúc nửa đêm.
Nhà ít tiền nên mẹ chúng nhặt ở đâu một cây thông bé, bằng nhựa, mang
về treo cái tất đỏ, dưới gốc để mấy gói quà. Treo đèn, vài quả cầu lấp
lánh, rồi bật điện, chúng reo hò, sướng cả tuần. Sáng sớm bọn trẻ đã
dậy, tìm trong tất để xem quà của mình đâu.
Năm nay cũng rủ đi mua thông thì các bố ấy chán, chắc lớn rồi nên
chẳng quan tâm nữa. Bảo Bin, mua cây thông thì Santa mới để quà dưới
gốc. Bố ta phán một câu xanh rờn, Santa là fake one – ông già ấy làm gì
có trên đời.
Nhưng sợ các cháu mải chơi game nên tôi rủ đi bằng được. Ra phía
Leesburg cách nhà khoảng 30km, biết có mấy nơi bán thông từ North
Carolina. Những cây thông nhỏ cao hơn 1 mét trồng mất khoảng 7-10 năm,
tùy độ cao, ở vùng đất khô cằn, như dân ta nuôi gốc đào, gốc mai.
Trang trại của một nông dân Mỹ. Ảnh: HM
Tới Potomac Vegetable Farm ngay cạnh tỉnh lộ Leesburg, trang trại của
một gia đình nông dân, rộng khoảng vài hecta, cây cối mọc tự nhiên như
rừng. Họ nuôi gà, vịt, thỏ và trồng rau sạch. Ông chủ ra chào rất niềm
nở, giới thiệu các loại nông sản trồng được.
Có một bạn trẻ trông vẻ rất tri thức ra giới thiệu về thông. Hóa ra
thông có rất nhiều loại khác nhau. Có loại thơm, có loại không thơm,
loại lá dầy, lá mỏng. Anh giải thích rất cặn kẽ, thông mọc trên đất cằn
nên tích nhựa rất lâu, nụ hoa chưa nở là nguồn hương.
Vặt một nụ nhỏ, bóp bóp nhẹ, anh cho tôi ngửi, đúng là thơm nồng
thật, nếu để trong nhà, hương có thể tỏa cả tháng. Dưới ánh nến, đèn
sáng mờ ảo, lò sưởi ấm, ngoài trời tuyết rơi trắng xóa, cây thông tỏa
hương, với chén rượu vang ngồi cùng bè bạn, giấc mơ Mỹ đó, anh ạ.
Tôi hỏi, làm thế này có phá môi trường không. Anh giải thích, rừng có
thể giữ nhiều cách. Có cách không bao giờ khai thác, để tự nhiên vài
thế kỷ. Nhưng có những nơi cần quay vòng vốn. Dân theo đạo Thiên chúa
thích cây Noel, nếu là cây thật càng thích. Cây dùng xong, họ mang đến
một chỗ qui định hoặc bên thu rác cho vào nghiền vụn và mang bán cho sản
xuất đồ gỗ, giấy, chẳng vứt đi cái gì.
Anh là tình nguyện viên đến làm ở cửa hàng cho bác nông dân trong 3
tiếng, vì bán được, anh cũng đóng góp công cho từ thiện. Anh khoe khu
trang trại về mùa hè có bán gà running – chạy bộ. Thả gà, ai mua con
nào, tự đi mà bắt và trả tiền, tự làm thịt cũng OK, mà thuê chủ nhà cũng
được.
Anh cười vui kể, nhìn ai ôm con gà, biết ngay là thuở nhỏ được sống ở
môi trường nào. Trẻ nhà quê bắt con gà rất nhanh, tóm chân, cầm cánh,
cho vào bao tải như chơi. Mấy cậu thành phố lóng ngóng, bóp cổ gà chết
luôn. Nghe anh ấy PR, muốn quay lại vào mùa hè xem sao.
Nụ thông thơm ngát. Ảnh: HM
Nghe cả chủ lẫn người tình nguyện viên nói hay quá, tôi chọn cây bé
nhất, giá 50$, bác chủ giảm cho 20% và thông báo gia đình tôi cũng góp
từ thiện cho các cháu gái nghèo trên thế giới. Nói rồi bác chỉ ra bảng
có dán mấy cái ảnh ở mấy nước xa xôi.
Tôi dừng lại nói chuyện rất lâu, hỏi tại sao có cây Giáng Sinh, sao
lại là cây thông. Anh kể khá chi tiết vài tích, trong đó tích dưới đây
có trong Wiki thích nhất.
Tương truyền, một lần Martin Luther, nhà truyền đạo người Đức ở thế
kỷ 15, dạo bước qua những cánh rừng vào một đêm Noel khoảng năm 1500.
Hàng triệu vì sao sáng lấp lánh qua kẽ lá. Luther thực sự ngỡ ngàng
trước vẻ đẹp của một loài cây nhỏ, trên cành cây tuyết trắng phủ đầy,
lung linh dưới ánh trăng.
Khi trở về ông đã đặt một cây thông nhỏ trong nhà và kể lại câu
chuyện này với lũ trẻ. Để tái tạo ánh sáng lấp lánh của muôn ngàn ánh
sao ông đã treo nến lên cành cây thông và thắp sáng những ngọn nến ấy
với lòng tôn kính ngày Chúa giáng sinh.
Ông giải thích là các cây nến cháy sáng trên các nhánh của cây thông
tượng trưng cho ánh sáng của Đức Giêsu mang đến cho nhân loại, màu xanh
tươi quanh năm của cây thông tượng trưng cho Đức Chúa Trời hằng hữu.
Phong tục cây Giáng sinh trở nên phổ biến từ đó.
Quay lại chuyện với bác nông dân. Ở ngay cạnh đường nhộn nhịp, thế mà
bác vẫn sống như ở quê, nhà cửa bình thường, bên cạnh là khu nhà sang
trọng. Tôi hỏi đùa, có bán đất không. Bác bảo, đất này của gia đình
không bao giờ bán nữa, ai mua cũng không được xây nhà.
Chả là khu nhà gần đó xây rất đẹp, nhưng cây xanh ít, nên chính quyền
kiện những người chủ thầu vì không làm đúng như thiết kế là tỷ lệ cây
xanh, đất công cộng và nhà cửa phải hài hòa.
Người chủ thầu định mua nốt mấy hecta này nhưng gia đình không bán vì
ông bà đã sống mấy đời. Rất nhiều người hỏi nhưng giá nào họ cũng lắc
đầu dù trông gia đình không phải giầu có gì.
Tuy nhiên, qua vài lần đàm phán, chủ thầu mua quyền xây nhà. Nghĩa là
gia đình vẫn sở hữu miếng đất, trồng cấy, chăn nuôi, nhưng không được
xây cất gì nữa. Có tiền bác lại đầu tư và trang trại, nhà kính trồng
rau. Mùa nào thức nấy, gia đình này cứ thế “tần tảo” nuôi nhau.
Dư đôi chút thì chia sẻ với người nghèo trên trái đất. Bán thông Noel
để dành 25% tiền lãi làm từ thiện. Nếu khách mua là cả chủ lẫn khách đã
đóng góp cho Santa để tặng quà trẻ thơ.
Tôi đùa, bán đất, kiếm vài triệu đô la, chẳng phải lo tiền nong tới
cuối đời. Bác cười, anh hiểu nhầm về giấc mơ Mỹ. Người Mỹ như bác quan
niệm hạnh phúc không phải có bao nhiêu tiền, được sống trong ngôi nhà
rộng mông mênh. Mà bác cho rằng, hạnh phúc là biết chia sẻ và được chia
sẻ.
Bán quyền xây nhà cho khu dân cư bên cạnh để đảm bảo rằng con cháu
hay chủ mới không bao giờ được xây nhà. Dân cư trong khu vực được hưởng
môi trường xanh tươi bốn mùa, không còn chuyện nhà cửa san sát, môi
trường bền vững của nước Mỹ có được là vì thế.
Mang về cho vào cái chậu nước chuyên để cây, gọi lũ trẻ ra treo đèn,
trang trí và được cây thông xinh xinh. Vừa làm tôi vừa nghĩ ngợi về ông
già Santa đi chia quà trong đêm Noel và những điều tôi nghe được trong
lúc mua cây thông.
Hạnh phúc là được chia sẻ và chia sẻ, không phải là quyền cao chức
trọng, có bao nhiêu tiền trong tài khoản và có bao nhiêu nhà cửa, và
những thứ, những giá trị luôn tính bằng tiền. Có lẽ nước Mỹ mạnh là vì
thế.
Bán thông Noel cho mục đích từ thiện tại trang trại. Ảnh: HM
Tôi nhớ câu chuyện đọc ở đâu đó. Một cô bé lấy tờ giấy đỏ của bố, bị
bố mắng, tại sao lại lấy. Bé bảo, để gửi quà cho một người. Cháu xin mấy
xu để ra bưu điện gửi. Ông bố lầu bầu, không vui, nhưng vẫn cho.
Tới ngày Noel, chính người bố nhận được gói quá gói bằng tờ giấy đỏ
mà đứa con gái đã lấy. Mở gói quà, từ ngạc nhiên đến hơi giận dữ, ông
hỏi, sao trong đó chẳng có gì. Đứa con gái nói, bố ơi, khi gửi quà, con
đã hôn rất nhiều vào trong cái hộp đó.
Ngày nay trên thế giới ảo, có hàng tỷ gói quà ảo, lời chúc ảo được
gửi đi. Có mấy ai biết được người gửi có hôn gió vào lời họ viết và
người nhận có thấy được chút tình trong cái ảnh hay lời ca gửi gắm.
Chợt nhớ đến vài đô la từ thiện do bác nông dân Mỹ đã thuyết phục mỗi
khách qua đường mua những cây thông từ North Carolina, hôm tới sẽ đến
được gốc cây Giáng Sinh nào đó trên trái đất, trong cái tất đỏ là món
quà, dù chẳng có tên tuổi, không lời chúc của chủ nhân.
Nhưng tôi tin, hộp quà ấy chứa bao nụ hôn và tình thương của những
người gửi và người nhận thì cảm xúc hạnh phúc dâng trào. Và nhân loại
vẫn tin ông già Santa có thật trên đời.
Hiệu Minh. Xmas 2013 Washington DC.
Thông trên đường Leesburg – Cua Times mua cây thứ 2 từ phải sang. Ảnh: HM
Hai bác nông dân đưa cây đi “đóng gói”. Ảnh: HM
Cây Giáng Sinh về nhà Bin và Luck. Ảnh: HM