Tết leo thang bộ

Tối ngày 4 tết (22/2/2015), toàn bộ 3 thang máy (ĐN 2-CT 3)  không hoạt động. Khách đến chúc tết phải leo thang bộ. Một số đoàn, phải bỏ cuộc. Công ty DV Hancic khắc phục sự cố quá chậm chễ, mãi sáng 5 tết thang máy mới hoạt động trở lại.
Hôm nay, 9 tết ( 27/2) 2 trong 3 thang máy lại hỏng, suốt 5 giờ qua ( từ 6 giờ đến 11 giờ) không có dấu hiệu của việc sửa chữa. Không biết  đến bao giờ thang hoạt động bình thường?
11 giờ ngày 27/2/2015

MH

Dân cư nhà CT 1 kêu cứu

Dân cư nhà CT1 kêu cứu!
Sáng nay, lúc 9 giờ ngày 29 tết Ất Mùi, Ông Q. phó TGĐ Công ty CP Đầu tư –Xây dựng Hà Nội, cầm đầu một toán 10 tên đầu trọc đến khiêu khích, uy hiếp dân cư nhà CT1 (Khu ĐTM Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đòi nhân viên Công ty Minh Minh là đơn vị trúng thầu làm dịch vụ đô thị phải rút, để đơn vị của ông ta làm dịch vụ đô thị; Mặc dù, đã bị hội nghị chung cư nhà CT.1 từ chối. Nhờ CA phường Trung Văn can thiệp, đến 11 giờ nhóm trên mới chịu giải tán. Tuy nhiên, bà con lo ngại nhóm này có thể quay lại bất cứ lúc nào?
 Theo FB Thức Chu

UBND Quận Nam Từ Liêm kết luận kiến nghị của Nhà CT 1

Ngày 14 tháng 2 năm 2015, UBND Quận Nam Từ Liêm giải quyết kiến nghị của Ban quản trị và cư dân nhà CT 1, do Phó chủ tịch Nguyễn Trường Sơn ký tóm tắt như sau:
 (1) Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hà Nội bàn giao đầy đủ toàn bộ hồ sơ liên quan đến quản lý vận hành theo đúng quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện chậm nhất xong trước 28/2/2015.
(2) Ban quản trị có trách nhiệm quản lý, vận hành nhà CT 1 và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

(3) Giao UBND phường Trung  Văn và Công an Phường có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tư khu vực trên. Văn bản này thay thế thông báo số 39/TB- QLĐT.




Chuyện lạ,có thật

Chuyện lạ, có thật. Công ty dịch vụ đô thị H báo giá dự thầu cao gần gấp 2 lần so với nhà thầu khác (118 triệu/64 triệu), khi không trúng thầu, không chịu bàn giao, chiếm luôn chung cư.  Phó ban quản lý dự án cầm đầu bọn “ Xã hội đen” nửa đêm đến đe dọa dân nhà CT 1 và nhiều lần đe dọa lãnh đạo Công ty trúng thầu. Cứ tưởng, đây là Công ty nào đó, do côn đồ lập ra. Nhưng không phải, là công ty nhà nước đấy, do một Phó Tổng giám đốc, công ty đầu tư- xây dựng lớn của Hà nội, kiêm làm giám đốc Công ty dịch vụ H này. Ai không tin xin mời đến khu đô thị mới Trung Văn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, sẽ rõ.

Theo FB Thức chu

Họp tổ dân phố 12

Theo sự chỉ đạo của UBND phường Trung Văn, Ban công tác Mặ
t trận 12, khu ĐTM Trung Văn tổ chức họp tổ dân phố 12 để bầu tổ trưởng, tổ phó và bàn nếp sống văn minh đô thị khu dân cư.
Ngày 8/2/2015, tại nhà cộng đồng CT3 trên 200 cử tri tổ 12 có mặt, tham dự có đại diện của UBND, Công an phường Trung Văn
Nội dung:
1.     Vận động nhân dân vệ sinh sạch đẹp khu dân cư, không để chó ỉa ở vương hoa, sân chơi, chó thả phải rọ mõm. Không ai được chiếm dụng hành lang nhà chung cư để chứa đồ, để xe đạp. Xe đạp nên gửi ở tầng hầm.
2.     Nhà chung cư, thuê công ty dịch vụ, nên tuyển chọn đơn vị tử tế. Tránh tình trạng như CT1 Công ty DV chung cư đòi giá quá cao, chủ chấm dứt hợp đồng thì chiếm nhà, đưa xã hội đen đến uy hiếp, gây mất trật tự.
3.     Hệ thống chính trị tổ 12 cấn giám sát Chủ đầu tư làm sai trái gây thiệt hại dân: Đất bãi giữ xe thì cho thuê làm nhà, lấy lòng đường của dân làm bãi giữ xe, chậm trễ làm sổ đỏ, có dấu hiệu đòi “ bôi trơn”.
4.     Xem xét các chốt bảo vệ trong khu hoạt động.
5.      Kết quả bầu cử:   Ông  Nguyễn Ngọc Tuấn,   Tổ trưởng
                                  Ông     Đặng Văn Phong,      Tổ phó





Học để làm…gì?

Học để làm…gì?
Lễ tốt nghiệp của sinh viên Đức. Ảnh; Internet
Lễ tốt nghiệp của sinh viên Đức. Ảnh; Internet
Đây là câu hỏi có giá billion (ngàn tỷ) đô la vì sinh viên Mỹ đang nợ ngần ấy. Nếu học xong không biết làm gì, một ngàn tỷ kia thật pha phí.
Việt Nam: Học để làm quan
Mấy ngày trước, có entry của tác giả Trần Văn Tuấn nhận định rằng 90 triệu người Việt học để làm quan. Của đáng tội, tôi thấy khá đúng :)
Chả hiểu bây giờ các bậc cha mẹ khuyên con học để làm gì. Nhưng ngày xưa, những năm 1960, tôi được đấng sinh thành nhắc nhở, con cố học giỏi để làm cán bộ, “một người làm quan, cả họ được nhờ”, bố mẹ đỡ đầu tắt mặt tối.
Thỉnh thoảng họp phụ huynh, bố tôi vui, tên con được xướng trên hội trường, vì con là học sinh tiên tiến, các cụ tràn trề hy vọng. Mấy năm du học, cả nhà tin đứa con sẽ làm nên, nhất là khi bảo vệ xong PTS ở Bulgaria (1988).
Nhưng rồi thời bao cấp nghèo khó, giấc mơ của hai vợ chồng già sau lũy tre làng cứ lụi dần, vì con về thăm quê, vẻ ngày càng đói hơn, quần tích kê mông, xe đạp rách nát lốp, mặt hom hem thiếu đói. Đôi khi mẹ còn dúi vài cân gạo lên sau xe, khi quả trứng, rồi ước ao, con cố phấn đấu vào đảng, thế nào cũng làm quan, ánh mắt bà cứ sáng lên.
Hai cụ không biết rằng, chức “quan” cao nhất của tôi ở Viện Tin học là chủ tịch Công đoàn, chuyên lo ma chay, cưới xin, thăm các bà đẻ, các chị bị sảy thai, hành kinh không đều.
Sau này có của ăn đôi chút, về thăm quê, tôi thuê xe hơi cho tiện. Cha mẹ, họ hàng đoán, chắc anh Cua làm to lắm, có ô tô đưa đón, lái xe đợi đầu đường. Nhưng có người mách, anh này ở Hà Nội chẳng làm vương tướng gì đâu, nghèo lõ đít ấy mà.
Các cụ than, con nhà người ta, có đứa không tốt nghiệp cấp 3, chẳng đi đâu, thế mà xe đón xe đưa, làm quan gì ở huyện, ở tỉnh, mỗi dịp tết đến, nhà cứ nườm nượp. Rồi tự an ủi “con sãi ở chùa lại quét lá đa”, người xưa cấm sai.
Đúng là nhìn người chức quyền hiện nay rất giầu có, học để làm quan là giấc mơ Việt. Giấc mơ có thật, ở mọi ngõ ngách làng quê. Nếu ai đó nói, học để làm người thì các cụ sẽ thở dài, làm người ai chả làm được, làm quan mới khó. Đi học mà không nên vương tướng, đổ cơm cho chó còn hơn.
Giấc mơ làm quan của người Mỹ
Người Mỹ hay bất kỳ một dân tộc nào cũng vậy, nếu được tự lựa chọn làm quan, chắc ai cũng thích. Rất hiếm người thích làm quân.
Luck đi học trường làng có bài luận “Em sẽ làm gì nếu được làm Tổng thống một ngày”. Bài của Bin “Nếu em là Hiệu trưởng, em sẽ làm gì”. Đó là những gợi mở cho tuổi thơ ấu muốn trở thành lãnh đạo.
Họp phụ huynh, gặp bạn bè, cha mẹ cũng hay khoe, con làm lớp trưởng, trưởng nhóm, ánh mắt cứ sáng rực. Có người cố tình cho con đi học muộn chút, vì trong lớp, đứa lớn tuổi hay thành team lead (trưởng nhóm), mầm mống lãnh đạo tương lai.
Nhưng với thời gian và sự hiểu biết, tuổi thơ ấy chẳng còn nghĩ đến chức Hiệu trưởng hay Tổng thống, dù giấc mơ thành lãnh đạo thế giới cũng rất đáng trân trọng, nhưng nói chung, không phải em nào ra trường cũng thành lãnh tụ.
Nói chuyện với các bạn Mỹ, hầu hết đều nói, các cháu học gì là tự lựa chọn, bố mẹ không can thiệp nổi. Có cháu học siêu về tin học, bỗng xin nhờ bố mẹ đứng tên vay vài chục ngàn của ngân hàng, mở gara sửa xe hơi. Cháu bảo, ở Mỹ, có 320 triệu người sở hữu 350 triệu xe hơi. Học được nghề này không bao giờ thất nghiệp. Vào Harvard tốn cả nửa triệu đô, ra trường chắc gì đã xin được việc.
Anh bạn có cô con gái du học Canada trong khi ở Maryland thì trường ĐH cũng thuộc về có sừng có mỏ ở nước Mỹ. Học được một học kỳ, bỗng đòi về vì bên đó tuyết gần như quanh năm.
Về Maryland, học được một năm, lại đòi đi học viện Âm nhạc Boston, học phí 70.000USD năm, bố mẹ than trời. Hỏi học nhạc để làm gì, cháu bảo vì thích. Thế mới khốn đời người nuôi dưỡng.
Vài đồng nghiệp cũng mơ giá như con mình làm gì đó, supervisor, manager, director… nhưng họ cũng nói, làm gì thì làm, có tiền tự nuôi sống là OK, thừa chút giúp người khác, thừa nhiều giúp nhân loại.
Ở đâu cũng thế, có quân, có tướng, có lãnh đạo, có cấp dưới, có trí thức, có công nhân, có dân thường. Toàn tướng cả lấy ai làm quân.
Người Mỹ bàn về mục đích của học hành và giáo dục
Người Mỹ cũng băn khoăn giống VN ta, mục đích giáo dục là gì. Trải qua mấy thế kỷ, vẫn tiếp tục hỏi, học để làm gì. Học làm người hay học để học tiếp, học để kiếm tiền, học để xây dựng…CNXH Hoa Kỳ. Hỏi 100 người về mục đích đi học có 101 câu trả lời.
Xin lấy một sơ đồ trên mạng internet  nói về sự thay đổi về khái niệm giáo dục Hoa Kỳ qua các thời kỳ. Dịch tạm cho bạn nào không biết tiếng Anh. Nhờ các bạn đóng góp thêm.
Nguồn: Inforgraphics
Nguồn: Inforgraphics
Cách đây gần một thế kỷ (1930 – Good Citizenship: The Purpose of Education – người công dân tốt – mục đích của giáo dục), đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt từng nói, đây là câu hỏi luôn đau đầu các học giả, giáo viên, các chính khách, các trí thức”.
Năm 1934, người ta đã bàn về mục đích của giáo dục, đó là dạy cho thế hệ trẻ những thứ họ cần để tự phát triển, một cách hệ thống để tham gia vào xã hội, đó là cách tiếp cận từ thời Hy Lạp cổ đại đến thế giới hiện đại (1930).
Năm 1948 Martin L King cho rằng, chức năng của giáo dục là dạy người ta suy nghĩ liên tục và có cách nhìn phê phán. Tuy nhiên, nếu giáo dục chỉ dừng lại với tìm ra sự tiện lợi cho mình thì đó là sự nguy hại của xã hội. Tội ác lớn nhất là trang bị cho con người những lý do để hành động mà không quan tâm đến đạo đức. Tri thức chưa đủ, mà tri thức cần với nhân cách, đó là nền giáo dục hoàn chỉnh.
Tới năm 1957, quan niệm rõ ràng hơn trong các trường tại Mỹ, đó là dạy con người sống có đạo đức, sáng tạo, lao động năng suất cao… trong một xã hội dân chủ.
Năm 1964 giáo dục chuyển từ mục đích tạo ra xã hội biết đọc biết viết thành một cộng đồng biết tự học.
Tới năm 1991, người ta đã tổng kết, từ thời cổ đại, giáo dục luôn là mục đích tạo ra con người theo đúng nghĩa, phát triển trí tuệ, phục vụ những yêu cầu của xã hội, đóng góp vào kinh tế, tạo ra nguồn lao động, chuẩn bị cho thế hệ trẻ những bước tiến thân, nhằm thúc đẩy một xã hội hay một chế độ chính trị.
Nói Mỹ giáo dục không vì chính trị cũng không hoàn toàn chính xác.
Vĩ thanh
Có lần Luck và Bin hỏi, con đi học để làm gì. Lão bố nghĩ về ông bà ở Ninh Bình, nay đã khuất núi, từng khuyên, học để kiếm cái nghề, nuôi thân, nuôi gia đình tương lai, đừng về nhà xúc gạo của mẹ nghèo như bố chúng ngày xưa. Thế là thành công lắm rồi.
Bây giờ, các bác hang Cua nên bàn, con cháu đi học có mục đích như thế nào, đừng bàn chuyện cao siêu triết lý giáo dục cho mệt. Quí bạn đọc kể chuyện nhà mình cho vui vì đó mới là cuộc sống.
Nếu ai giỏi tiếng Anh, viết thêm vào phần mũi tên lượn ngoằn ngoèo, đang ở năm 1991, trong sơ đồ trên, gửi cho Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, có khi được giải Nobel. Nếu như thế mục đích học đã thành công ngoài sức tưởng tượng :)

HM. 4-2-2015

Họp Tổ dân phố số 12 lần đầu

 Họp Tổ dân phố số 12 lần đầu
Thời gian:
 9 giờ, ngày chủ nhật, 08 tháng 02 năm 2015
Đối tượng:
 - Tổ dân phố 12 phường  Trung Văn bao gồm  các nhà  CT1, ĐN 1- CT3, ĐN 2-CT3, ĐN 3-CT3, CT4, Nhà vườn, Biệt thự trong khu.
- Cư dân Tổ dân phố 12:  Là những  người cư trú lâu dài tại địa bàn; Như vậy những  người thuê nhà, các văn phòng, doanh nghiệp không thuộc tổ dân phố.
- Ngày 5-6/2/2015  sẽ phát giấy mời họp đến  các gia đình. Nếu các hộ dân, không  thuộc cư dân tổ dân phố 12, thì báo cho người phát giấy mời biết (hoặc trả lại giấy mời ).
-   Mỗi gia đình cử ít nhất một người dự họp. Đây là cuộc họp thành lập tổ dân phố, mong  các nhà quan tâm tham gia đầy đủ, đúng giờ để cuộc họp đạt kết quả.
Ngày 5/2/2015
Tổ bầu cử số 12


Ông Hưng phó BQL dự án bị lập biên bản " gây rối"



Nội dung:  Vào hồi  1 giờ 30 ( 4/2) ông Đỗ Duy Hưng, phó Ban quản lý khu ĐTM Trung Văn của Công ty dịch vụ đo thị Hancic đi với 1 người lạ. .. Anh Thạch lên gọi ông Lê Hoàng Huyến trưởng BQT xuống gặp ông Hưng.... Ông Hưng yêu cầu ông Huyến " Phải mở khóa thang máy nhà CT1 để chúng tôi kiểm tra vì có khách hàng báo thang máy bị khét, nên chúng tôi phải kiểm tra". Ông là gì  mà có quyền mở khóa thang máy?... ông Hưng cho bảo vệ Hancic vào mở kháo thang máy. Ông Huyến gọi điện cho công an phường, 113 thì ông Hưng và người lạ rút.  Trong lúc lộn xộn, nhóm ông Hưng đã rút băng rôn của nhà CT1.

“Cơm tù”

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi xe khách đường dài còn ít. Khách đi trên quốc lộ 1 tuyến Bắc – Nam, lấy được vé là quý rồi. Xe như thế nào, lái xe ra sao cũng ít người quan tâm. Việc ăn uống dọc đường, thường do lái xe dẫn dắt. Gặp lái xe sấu, “ móc- ngoặc” với cửa hàng ăn uống, dẫn xe vào cửa hàng  để họ “ chặt, chém” hành khách. Khách muốn đi ăn ở ra hàng khác, cũng không được. Vì sau khi  xe khách vào cửa hàng, chủ đã lấy lưới B 40 rào cửa hàng. Có người trốn ra, bị bảo vệ đánh đập…Một thời, báo chí công luận đã tốn nhiều giấy mực lên án.
Sau 30 năm, nay tại KĐT mới Trung Văn lại tái diễn cảnh “ Cơm tù”. Có nghĩa là bắt  buộc “ khách hàng” phải  sử dụng dịch vụ với giá “cắt cổ”. “Cơm tù” ở Trung Văn không  phải trong lĩnh vực “ Ăn” mà trong lĩnh vực “ Ở”. Nếu không chịu thì gây khó, thậm chí chiếm nhà của họ. Lợi dụng sơ hở của pháp luật, một số chủ đầu tư sấu  đẻ  ra  công ty dịch vụ chung cư. Họ làm không tốt, nhưng đòi giá cao, bắt chẹt khách hàng. Để duy chì độc quyền của các Công ty này, chủ đầu tư tiếp tay bằng cách trì hoãn hội nghị chung cư để bầu Ban quản trị tới 4-5 năm. Đề nghị các cấp chính quyền  Thủ đô quan tâm chuyện này để dân  các nhà chung cư  được nhờ.

Theo FB Thức Chu

Ba lý do “cố thủ” của HancicUSC

Sau mấy ngày nhân viên của Công ty dịch vụ Hancic (HancicUSC) chiếm địa bàn làm DV nhà CT1, với lý do “ Chưa có lệnh của Công ty”. Chiều qua, 2/2/2015  ông Vũ Mạnh Quyền với tư cách là giám đốc HancicUSC xin làm việc với Ban quản trị. Cuộc họp ngoài BQT, ông Quyền còn có bí thư  Chi bộ,  trưởng Ban công tác Mặt trận 12 và một số người dân nhà CT1. Mở đầu  đại diện BQT nêu: Ông giám đốc muốn gặp BQT có vấn đề gì mời ông phát biểu.  
Ông Quyền nêu ra 3 lý do để vẫn phải làm dịch vụ ở CT1 như sau:
1.     Lý do thứ nhất:“Chưa thanh lý hợp đồng dịch vụ với người dân” . BQT hỏi ông hợp đồng đâu ông không có và nói để ở cơ quan. Thực chất không có hợp đồng dịch vị nào của HancicUSC với người dân cả. BQT: Chỉ có hợp đông dịch vụ của Chủ đầu tư với hộ dân ký năm 2009. Trong đó, có giá trị là một năm. Đến nay hợp đồng ấy đã đơn phương  bị sửa đổi rất nhiều. Ví dụ: Theo hợp đồng 2009 thì xe vãng lai không thu phí, nhưng nay không những thu, mà còn thu nặng 30.000đ/ giờ.
2.     Lý do thứ 2 ông Quyền đưa ra là: “ Chủ đầu tư chưa bàn giao xong “. Đúng là còn thiếu một số hồ sơ chi tiết do chủ đầu tư cố tình trì hoãn. Mặc dù BQT nhiều lần yêu cầu. Nhưng đó là việc của BQT với chủ đầu tư, không liên quan gì đến Công ty dịch vụ. Đại diện BQT phát biểu như vậy.
3.     Lý do thứ 3: Ông Quyền đề nghị mở hội nghị chung cư mời Phường, Quận dự để phân sử và để ông Quyền thanh lý hợp đồng dịch vụ với dân.  Đại diện BQT: Ngày 17/12/2014 hội nghị chung cư CT1 họp có 58/89 hộ dự (65%),  nhưng sau đó có 88/89 hộ ký nhất trí: Quyết định kết thúc hợp đồng DV với HancicUSC và chọn Công ty DV Minh Minh  từ 1/1/2015.  Đó là việc làm đúng pháp luật; Nên không cân  họp hội nghị nào khác. (Do HancicUSC cố tình trì hoãn nên thời điểm làm DV của Minh Minh phải rời đến 1/2/2015)
Như vậy, cả 3 lý do của ông Quyền  đưa ra đều bị hội nghị bác bỏ. Nhưng ông  Quyền  vẫn  không chịu và vẫn cho quân “cố thủ”. Kể ra người dân CT1 cũng sướng thật. Có đơn vị dịch vụ quyết tâm phục vụ đến cùng mà người dân không phải trả tiền.

M.B