- Đây là lần thứ 4 đường ống cấp nước sông Đà cho khu vực Hà Nội bị vỡ.
Trăm sự tại đất?
Gần 14h chiều 16/12, đường ống nước sạch của công ty nước sạch sông Đà bị vỡ tại địa bàn xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội), khiến nước phun xối xả lên mặt đất, tạo thành một hố sâu khoảng chục mét và rộng vài mét.
Sự cố vỡ đường ống nước D1600 khiến gần 70.000 hộ dân thuộc quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Từ Liêm và huyện Thanh Trì bị ảnh hưởng.
Điều đáng từ khi đi vào hoạt động đây là lần thứ 4 đường ống cấp nước sông Đà cho khu vực Hà Nội bị vỡ đoạn qua Đại lộ Thăng Long. Và chỉ tính từ đầu năm 2013 đến nay thì đây lần vỡ thứ 3.
Đoạn ống nước bị vỡ ngày 23/3 (Ảnh Thanh niên)
|
Trước đó, ngày 4/2/2012, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội đoạn qua thôn Yên Lũng, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) bị vỡ, ảnh hưởng đến sinh hoạt của khoảng 40 nghìn hộ dân.
Nguyên nhân cũng được lãnh đạo công ty Viwaco-đơn vị kinh doanh nước sạch Sông Đà cho biết đó là sụt lún đại lộ Thăng Long và áp lực nước trong ống. Phải mất 5 ngày sự cố này mới được khắc phục.
Sau sự cố vỡ đường ống dẫn, Viwaco cho biết, sẽ xây dựng ngay bể chứa nước dự phòng có thể cấp nước cho các hộ dân trong vòng một tuần.
Tuy nhiên khi kế hoạch về bể chứa nước dự phòng vẫn đang “treo trên giấy” thì đến trưa ngày 23/3/2013, đường ống nước sạch đường kính 1,6m từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội lại bị vỡ lần thứ 2. Hơn 70 nghìn dân ở các quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy và huyện Thanh Trì, Từ Liêm bị ảnh hưởng. Địa điểm xảy ra sự cố cách ngã ba Hòa Lạc hướng về Hà Nội khoảng 1km. Đoạn ống bị vỡ dài khoảng 2m, nằm sâu dưới lòng đất.
Điểm vỡ đường ống nước xảy ra ngày 21/11 (Ảnh Dân trí)
|
Trao đổi trên báo chí về nguyên nhân vỡ ống nước lần này, ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Viwaco cho biết là: Tác động của việc sụt lún đại lộ Thăng Long và áp lực nước rất mạnh trong lòng đường ống.
Theo Tiền phong dẫn lời ông Việt: “Đường ống nước dài như vậy (gần 50km) thì sự cố rất khó tránh khỏi. Tương lai vẫn có thể bị vỡ”. Đúng như lời “tiên đoán” sáng ngày 21/11, đường ống tiếp tục bị vỡ ở đoạn chảy qua km 27+60 Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Toàn bộ quận Thanh Xuân, một phần quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì và Từ Liêm bị ảnh hưởng, khoảng hơn 70 nghìn hộ dân bị mất nước.
Đến lần vỡ đường ống thứ 4 này, trao đổi về nguyên nhân nhân khiến đường ống nước sạch thời gian gần đây liên tục xảy ra sự cố, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex Nguyễn Văn Tốn cho biết nguyên nhân vỡ ống nước ban đầu được cho là ống nước thi công trên nền đất suối yếu, dẫn đến tình trạng sụt lún và vỡ ống nước.
Ông Nguyễn Anh Việt, Giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà cũng giải thích gần giống những lần trước đó: Có thể do nền đất tại khu vực nơi có ống bị vỡ là rất yếu vì đường ống D1600 nằm sâu dưới lòng đất cả chục mét, ngoài ra phía công ty cũng đang điều tra và tìm hiểu xem có những nguyên nhân nào khác hay không để có biện pháp khắc phục.
Ông Việt cũng cho biết thêm việc khắc phục lần này cũng gây tốn kém vì phải huy động rất nhiều máy móc thiết bị và nhân công, ước tính mất hơn 1 tỷ đồng.
Và trong quá trình đợi công ty điều tra tìm hiểu xem có những nguyên nhân nào khác hay không để có biện pháp nguy cơ vỡ đường ống mất nước vẫn treo lơ lửng trên đầu hàng chục vạn người dân. Ngẫm ra thì vẫn chỉ là trăm sự tại đất!?
Ống nước hàng mã?
Đường ống nước sạch từ Sông Đà về Hà Nội thuộc dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây – Hòa Lạc - Xuân Mai – Miếu Môn - Hà Nội – Hà Đông do Tổng Công ty cổ phần VINACONEX làm chủ đầu tư sử dụng nguồn nước mặt sông Đà .
Năm 2008 đã hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng với công suất 300.000m3/ngày đêm bao gồm các hạm mục chính là kênh dẫn nước, các trạm bơm, nhà máy xử lý nước, bể chứa điều hòa và các tuyến ống truyền tải dẫn nước sạch từ nhà máy về đến vành đai III Hà Nội.
Ngày 16/12 đường ống lại tiếp tục bị vỡ lần thứ 4 (Ảnh Đầu tư)
|
Hiện hơn 47,5km đường ống được coi là "độc đạo" đưa 220.000m3 nước/ngày đêm từ Nhà máy Nước sạch sông Đà (Kỳ Sơn, Hòa Bình) về đến Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) nên mỗi lần xảy ra sự cố, việc cấp nước sẽ phải dừng lại và phạm vi ảnh hưởng khá lớn.
Cứ mỗi lần đường ống bị vỡ đồng nghĩa với hàng trăm nghìn người không có nước sinh hoạt. Dự kiến đến trưa ngày 18/12, việc cung cấp nước sẽ trở lại bình thường tuy nhiên chiều ngày 18 nhiều khu vực vẫn mất nước. Đến 19h khu vực Bùi Xương Trạch – Khương Đình chưa có nước trở lại. Khu vực Từ Liêm (gần sân vận động quốc gia Mỹ Đình) vẫn bị mất nước.
Chị Nguyễn Thị Mạnh (Từ Liêm) cho biết: Mất nước vì vỡ đường ống nước nghe nhiều quen rồi mà vẫn sợ. Bây giờ mất gì cũng khổ chứ đâu chỉ mất nước. Nhưng lần một, lần hai có thể hiểu được. Để đến lần thứ tư như thế này chẳng khác nào ống nước làm bằng hàng mã. Gần tết lại nơm nớp lo vỡ ống mất nước thì đúng là khốn khổ.
Đánh giá khách quan, việc ứng phó, khắc phục sự cố khá nhanh, nhưng có điều, không ai dám khẳng định sẽ không tiếp tục có những sự cố lần thứ tư, thứ năm… xảy ra.
4 lần vỡ ống nước vừa qua xảy ra đều xảy ra tại các đoạn chạy qua Đại lộ Thăng Long. Theo thông tin tìm hiểu, tuyến đường ống chạy từ Xuân Mai lên Hòa Bình hiện có nhiều đoạn nằm dưới khu vực bị người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép. Nếu xảy ra sự cố vỡ ống tại đây thì việc cứu chữa sẽ vô cùng khó khăn và mức độ ảnh hưởng tới người dân cũng khó có thể đo đếm.
Hồng Khanh
Năm 2012 vỡ ống 1 lần, năm 2013 vỡ3 lần, dự đoán năm 2014 vỡ 6 lần.
Trả lờiXóa